Đánh giá học sinh tiểu học thực hiện kể từ năm học 2020 - 2021
Sau thời gian Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) lấy ý kiến góp ý rộng rãi Dự thảo Thông tư quy định Đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học, ngày 04 tháng 9 năm 2020, Bộ GDĐT vừa ký và ban hành Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT (Thông tư 27) Ban hành quy định Đánh giá học sinh tiểu học.
Thông tư 27 có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 10 năm 2020 và được thực hiện theo lộ trình:
- Từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1.
- Từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2.
- Từ năm học 2022-2023 đối với lớp 3.
- Từ năm học 2023-2024 đối với lớp 4.
- Từ năm học 2024-2025 đối với lớp 5.
Thông tư 27 có sự kế thừa quan điểm “đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh” của quy định đánh giá học sinh tiểu học hiện hành, quan tâm động viên, khuyến khích sự cố gắng của học sinh, giúp học sinh phát huy nhiều nhất khả năng, năng lực, đảm bảo công bằng,... của Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT của Bộ GDĐT ngày 28 tháng 9 năm 2016. Từ năm học 2020 - 2021, ngành giáo dục sẽ bắt đầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1. Chính vì vậy, việc bàn hành Thông tư 27 là rất cần thiết.
Thông tư 27 quy định đánh giá định kỳ về nội dung học tập các môn học/hoạt động giáo dục được thực hiện vào giữa học kỳ I, cuối học kỳ I, giữa học kỳ II và cuối năm học. Giáo viên dạy môn học căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên và yêu cầu cần đạt, biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học/hoạt động giáo dục để đánh giá học sinh đối với từng môn học, hoạt động giáo dục theo các mức: hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành.
Vào cuối học kỳ I và cuối năm học, đối với các môn học bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử và Địa lí, Khoa học, Tin học và Công nghệ, sẽ có bài kiểm tra định kỳ để đánh giá học sinh. Đối với lớp 4, lớp 5, có thêm bài kiểm tra định kỳ môn Tiếng Việt, môn Toán vào giữa học kỳ I và giữa học kỳ II.
Bài kiểm tra được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang điểm 10, không cho điểm thập phân và được trả lại cho học sinh. Điểm của bài kiểm tra định kỳ không dùng để so sánh học sinh này với học sinh khác. Nếu kết quả bài kiểm tra cuối học kỳ I và cuối năm học bất thường so với đánh giá thường xuyên, giáo viên đề xuất với nhà trường có thể cho học sinh làm bài kiểm tra khác để đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh.
Ngoài việc kế thừa khen thưởng học sinh theo các quy định hiện hành, Thông tư 27 còn bổ sung hình thức “Thư khen" trong quy định về khen thưởng học sinh: “Cán bộ quản lý và giáo viên có thể gửi thư khen cho những học sinh có thành tích, cố gắng trong quá trình học tập, rèn luyện phẩm chất, năng lực hoặc có những việc làm tốt”. Điều này nhằm động viên kịp thời học sinh, giúp các em có thêm động lực cùng nhau rèn luyện tu dưỡng đạo đức, trau dồi kiến thức để không ngừng tiến bộ./.